Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Lái buôn thành Lạng

Lão giàu, tất nhiên rồi, những mấy cơ ngơi ở phía Đông thành mà lỵ. ấy là chưa kể dãy tửu điếm treo biển Cảo Há ngay giữa phố chợ, thảy cũng là của lão cả. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, xưa, Há cũng thường thôi, hồi bảy chín lão chạy Tàu theo cơ quan vợ xuống giáp vùng Kinh bắc cũng vất lắm, lại hơn chục năm cuối thời bao cấp nữa, vợ chồng đang tuổi sinh sản, bốn đứa con nheo nhóc lần lượt ra đời, càng đói...( đang viết dở ...)

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Dàn ý NẮNG RỌI NON CAO vẫn đang tiếp tục sửa chữa, bổ sung

Đây là đề cương cho cuốn tiểu thuyết:  

NẮNG RỌI NON CAO

Tác giả : Bế Mạnh Đức

          Tóm tắt:

Câu chuyện đưa ta trở về một thời kỳ đầy biến động của đất nước, ấy là những năm cuối thế kỷ 19, khi triều đình nhà Nguyễn đang đi vào giai đoạn thoái trào, người Pháp đã chiếm gần trọn giang sơn mà vua quan chỉ biết bó tay ngồi nhìn. Cùng với những sỹ phu có chung chí hướng; không chịu nhục mất nước, cam tâm làm nô lệ cho ngoại bang, ông đã dựng cờ nghĩa, tập hợp dân binh đứng lên  chống giặc. Ông là Hoàng Đình Kinh, người con anh dũng của xứ Lạng.
          Chủ nghĩa yêu nước là tâm điểm của câu chuyện và cũng chính là hình ảnh được khắc họa xuyên suốt cuộc đời vị thủ lĩnh này, ông cũng đã truyền được cảm hứng cho những người đi theo có chung một lý tưởng cao đẹp, đó là dấn thân để cứu nước.

Cuốn tiểu thuyết này dự kiến có 7 chương, với độ dài khoảng trên 300 trang sách, cụ thể như sau:

CHƯƠNG I - KHÍ PHÁCH ANH HÙNG

Chương này nói về tuổi thơ, về sự định hình trong tính cách của người mang chí lớn, những việc làm, hành động, quan điểm khác người của một bậc quân tử…Về nhân thân bao gồm có cha mẹ, anh em, bè bạn những nhân vật gần gũi và về vùng đất nơi ông sinh ra ( Tổng Thuốc sơn ). Những nền tảng vững chắc, đã được chuẩn bị cho một nhân vật đặc biệt sẽ xuất hiện nơi đây.
Cũng có điểm xuyến một vài nét tâm linh, những hiện tượng lạ thường khi ông sinh ra. Vd: ( Từ trước khi mang thai, có thầy địa lý khi đi ngang qua tư dinh của cha ông sau khi xem phong thủy đã tiên đoán việc ông ra đời và trở thành một nhân vật khác thường ).
Chương này nói về việc ông được hưởng một sự giáo dục khá đầy đủ bao gồm cả văn lẫn võ ( cha ông đã mời nhiều danh sỹ, võ sư nổi tiếng đến nhà làm môn khách cũng là để dạy dỗ con của mình – cũng có khi mời nhầm kẻ bất tài, hám lợi…) Ông còn được thụ hưởng một tư tưởng đúng đắn từ những bậc tiền bối truyền lại, ấy là lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Ở chương này cũng đề cập đến tình hình thời cuộc khi ấy, lúc nhà Nguyễn đang bắt đầu có những nhượng bộ trước giặc Pháp, và phản ứng của nhân sỹ cả nước trước sự nhu nhược của triều đình. Nói đến sự liên quan của  tàn quân thuộc phong trào Thái Bình Thiên Quốc, đối với miền biên viễn nước ta. Bọn chúng, vì thiếu đói nên đã tiến hành cướp bóc, nhũng nhiễu dân ta, vì vậy, nhiều nơi đã tổ chức vũ trang chống lại bọn phỉ này.
Hoàng Đình Kinh là một trong số những người như thế, ông tổ chức dân binh, rào làng lập thành lũy, huấn luyện trai tráng chống trả anh dũng nhiều cuộc vây hãm cướp phá mà bọn chúng gây ra ở tổng Thuốc Sơn.
Theo thời gian uy tín của ông ngày một lên cao trong dân chúng cũng như đối với triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Tư chất của người thủ lĩnh cũng ngày càng bộc lộ trong ông.

   
CHƯƠNG II - CHUYẾN ĐI XA

Chương này nói về những năm tháng bước vào tuổi trưởng thành của ông, với một ý chí mãnh liệt, tấm lòng yêu nước sâu sắc, cộng với nỗi lòng của người trượng phu trước cảnh lầm than đói khổ của dân chúng khi đất nước bị quân thù dày xéo, trong lúc tầng lớp quan lại hèn nhát thì quay ra đàn áp sỹ phu.
 Dù là Cai Tổng Thuốc Sơn nhưng ông vẫn cảm thấy mình chưa đủ vững vàng cũng như kinh nghiệm thực tiễn vì vậy Hoàng Đình Kinh đã quyết định cùng với một gia nhân thân tín thực hiện một chuyến đi vào trong giang hồ. Mục đích của ông là để tìm hiểu một cách cụ thể tình hình đất nước cũng như thái độ của dân chúng, đặc biệt là mong tìm được những người có cùng chí hướng với ông.
Có một nhân vật không thể không nhắc đến đó là người em trai không kém phần tài giỏi của ông, Hoàng Đình Hai – Cai Hai. Trước khi lên đường, hai anh em đã có nhiều buổi trò chuyện sâu sắc cũng là những lời dặn dò lẫn nhau cho những ngày dài phía trước, Cai Kinh thậm chí còn nói đến việc nếu ông không trở về vì số phận thì Cai Hai sẽ thay ông gánh vác gia đình, họ tộc…Và chính Cai Hai, là người sau này sẽ đóng một vai trò không thể thiếu trong suốt những năm kháng Pháp của Hoàng Đình Kinh.
Ông đã đi hầu khắp các vùng đất ở phía Bắc nước Việt, đã gặp gỡ với nhiều hạng người, chứng kiến cũng như bị rơi vào nhiều tình huống khác nhau trong suốt cuộc hành trình. Trong chuyến đi này ông đã kết giao được với nhiều nhân tài, học hỏi được nhiều kiến thức cả văn lẫn võ. Trong đó phải kể đến một cao đồ của chùa Thiếu Lâm vì chạy nạn mà phải ẩn cư trong thành Hà nội với nghề xay đậu hũ. Tên người này là Lâm Cang, sau theo về với nghĩa quân giữ vai trò của một người huấn luyện quyền thuật cho đơn vị đặc biệt của nghĩa quân.
Một người nữa mà ông tình cờ gặp trong một chiếu chèo ở đất Kinh bắc đã khiến hai thầy trò vô cùng bất ngờ bởi đối lập với vẻ ngoài rách rưới, ẩn thỉu thì bên trong lại là một tài năng dị thường với đủ nghề binh pháp cũng như năng lực khái quát tình hình lúc đương thời. Sau vài cuộc đối ẩm, Hoàng Đình Kinh nhất định mời bằng được người này về theo mình với vai trò một quân sư.
Sau khi trở về quê hương một thời gian, được sự gợi ý của vị quân sư ông lại thực hiện một chuyến đi nữa, lần này là sang Quảng Đông, Trung Quốc, vì bên đó đang còn dư âm của cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, ông mong muốn có thể học hỏi thêm từ những người có chung tư tưởng , ở bên  ấy ông tìm cách liên lạc với những người Việt yêu nước khác, cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ của người Tàu. 
Cũng tại đây ông đã gặp tình yêu đầu của mình, con gái một người bán thuốc dạo ( thực ra là người của TBTQ đang hoạt động dưới vỏ bọc thường dân ), những  khó khăn bởi cuộc tình khác dân tộc cũng nảy sinh. Đó là một cuộc tình đẹp nhưng cũng nhiều ngang trái khi cô gái quyết định trốn cha mẹ theo người yêu về Nam quốc…( đã có một cuộc truy đuổi của người nhà cô gái nhằm ngăn cản chuyến hồi hương, mà cũng là chạy trốn của cô gái, nhưng khi gặp nhau thì anh trai cô và Hoàng Đình Kinh đã nhận ra chí khí của nhau và họ nhanh chóng trở thành những người tri kỷ ).
Mặc dầu vậy nhưng cô gái vẫn phải ở lại Bắc quốc bởi cha cô vì buồn bực mà đổ bệnh nặng, chỉ mãi sau này họ mới được đoàn tụ nhân một chuyến đi xuống phía Nam mà anh trai cô – là một thuộc tướng của Lưu Vĩnh Phúc đưa một số vũ khí, của cải xuống phía Nam giúp đỡ cho nghĩa quân Hoàng Đình Kinh.

CHƯƠNG III – HỘI QUÂN DƯỚI TRƯỚNG CAI VÀNG

Chương này nói về việc Hoàng Đình Kinh sau khi trở về quê quán, ông đã cùng với những người tâm phúc xây dưng lực lượng với ý đồ kháng chiến lâu dài. Nhưng xét thấy mình chưa đủ sức nên ông lại một lần nữa tạm biệt quê hương đem theo quân binh ( là những người Thổ, mà sau này trong các cuộc chinh chiến họ nổi tiếng bởi sức khỏe dẻo dai, tinh thần gan dạ, và đặc biệt là tài bắn nỏ  bách phát bách trúng ) đến tham gia cuộc khởi nghĩa của Cai Vàng – Nguyễn Thịnh ở Bắc Ninh.
Sẽ có những trường đoạn nói về những người lính khi phải xa người thân, xa người yêu, để một lòng đi theo Cai Kinh, một lòng vì nghĩa lớn.
Cũng như một số người khác, thời gian đầu ông chưa được tin dùng, thậm chí một vài kẻ xấu bụng ganh tỵ trước tài năng của ông, còn dèm pha, nói xấu ông. Chuyện càng trầm trọng khi ông tha chết cho một viên tướng triều đình vốn có duyên nợ ân tình, chỉ vì thời thế mà phải nương thân chốn quan trường. Vì chuyện ấy mà ông bị Cai Vàng không tin dùng, chỉ cho ông một chức vụ nhỏ chuyên lo việc quân lương, điều đó khiến ông hơi buồn lòng, các tâm phúc của ông đã từng khuyên ông bỏ Cai Vàng đi tìm chủ khác.
Nhưng rồi với tài thao lược, trong một trận đánh không cân sức ông đã lấy lại uy tín của mình, đồng thời những kẻ trước đây hãm hại ông cũng bộc lộ sự hèn nhát. Chúng dự tính phản bội lại chủ tướng rồi ra hàng, nhưng âm mưu đó đã bị ông phát giác và tiêu diệt chúng. Hoàng Đình Kinh cứu được chủ tướng chạy về căn cứ an toàn.
          Từ đây, ông được ngồi bàn việc cùng ban tham mưu, vạch kế hoạch cho nhiều cuộc chiến đấu. Ông cũng phụ trách nhiều vị trí quan trọng trong suốt cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, về sau ông cũng nhận ra điểm yếu của Cai Vàng, đó là trở nên quá nóng tính, điều này xảy ra sau khi ông bị những kẻ vốn là tâm phúc phản bội –  từ đó sinh ra nghiêm khắc khác thường, vị này thường trừng phạt quân lính một cách nặng nề. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều toán quân đã bỏ ra đi.
          Cụ thể nhất là cánh quân của Lê Nhẫn, một hậu thân của nhà Lê ở Thanh Hóa, vốn theo Nguyễn Thịnh từ những ngày đầu khởi nghĩa, hôm ấy Nhai uống rượu say vô tình mạo phạm vợ Ba của Cai Vàng, ngay lập tức ông này ra lệnh bắt giam Lê Nhai rồi đem chém, dù nhiều tướng lĩnh đã hết lời can ngăn. Vị phó tướng của Lê thấy vậy liền nhân lúc được điều sang Phú Bình, Thái Nguyên chặn giặc đã mang quân bỏ đi.
          Càng về sau lực lượng của Cai Vàng càng yếu, cùng lúc triều đình lại tăng cường đàn áp, rồi Cai Vàng tử trận, sau cái chết của vị thủ lĩnh này không lâu, Bà Ba liệu chừng khó có thể tiếp tục cuộc khởi nghĩa nên đã tuyên bố giải tán lực lượng vào một ngày cuối mùa Thu.
Hoàng Đình Kinh từ giã nghĩa quân khi trong tay chỉ còn hơn chục người tâm phúc.
Họ về lại Thuốc Sơn vào một đêm trăng suông.

CHƯƠNG IV –  MÀI GƯƠM TRONG NÚI

Sau khi về đến quê hương, Hoàng Đình Kinh có một thời gian nằm yên ngóng tình hình. Lúc này giặc Pháp đang tiếp tục mở rộng cuộc xâm lược Đại Nam, mà triều đình càng lúc càng nhu nhược. Hạn hán, mất mùa liên miên, Hưng Yên 8 năm liền đê vỡ, cả một huyện bỏ hoang, dân tình thiếu ăn, không ít người đã bỏ mạng vì đói. Nhiều nơi dân chúng nổi lên chống lại nhà cầm quyền.
Trong khi đó tầng lớp quan lại nhân khi loạn lạc thì ra sức bóc lột dân chúng, bòn rút đến từng con vật nuôi trong nhà. Tệ mua quan bán chức cũng được dịp bùng phát, cứ một ngàn quan tiền thì mua được chức cửu phẩm…
           Tết nguyên đán năm Tân Tỵ 1881, một đêm, sau khi tiễn người bạn cũ đang giữ một chức quan nhỏ ở địa phương thường đến khuyên bảo ông hãy nhanh chóng quyết định về với triều đình, kẻo mang tai họa…Lời  khuyên của người bạn khiến ông hết sức băn khoăn. Đang khi sải bước trong khuôn viên gia đình bỗng ông giật mình khi trước mặt xuất hiện ba bóng đen. Sau vài đường kiếm họ vui vẻ gọi tên ông.
Đó là những bộ tướng xưa của Cai Vàng, những người đã cùng ông chiến đấu năm nào.
          Sau cuộc tái ngộ, biết được thêm tình tình chung của đất nước, Hoàng Đình Kinh quyết định dựng cờ khởi nghĩa tại tổng Thuốc Sơn, từ đây ông chiêu mộ binh lính, cho người đi mua vũ khí, ngựa lừa…đêm đêm tiếng mài gươm vang cả một vùng thung lũng rộng lớn.
Đó là mùa Xuân năm 1882.
Trong tiết trời ấm áp, khi hoa đào nở rực rỡ trên khắp các bản làng, Tổng Thuộc Sơn mở hội lớn, giữa ba quân, trên đàn cao, trong mùi hương trầm thơm ngát, Hoàng Đình Kinh áo mũ chỉnh tề dõng dạc đọc lời tuyên cáo chính thức dựng cờ, thu phục nghĩa binh, cùng các thủ lĩnh, sỹ phu có chung chí hướng thề đánh đuổi Tây dương, diệt lũ quan tham,  nguyện dựng lại sơn hà vốn đang trên đà đổ nát.
          Song song với việc chiêu binh mãi mã ông cho người đi khắp nơi kết nối với các thủ lĩnh khác, tâm phúc của ông đã qua Thái Nguyên lên tuyên Quang sang Quảng Ninh, Bắc Giang... thậm chí Trung Quốc để móc nối, thúc đẩy liên minh kháng Pháp. Cũng dịp này người vợ Trung Hoa trong chuyến đi về nước, đã làm được một việc hết sức ý nghĩa đó là thuyết phục được anh trai của cô lúc này đã là một tướng của Lưu Vĩnh Phúc đồng ý giúp đỡ Cai Kinh huấn luyện binh mã, mua thêm súng ống hiện đại của một lái buôn người Pháp.
Tay  này chuyên chở súng ống, đạn dược lậu, dọc sông Hồng sang tận Vân nam cung cấp cho các cánh quân nổi loạn chống Thanh triều. Đổi lại bọn khởi nghĩa đem thuốc phiện, sản vật rừng nhiệt đới bán cho hắn. Từ đây á phiện sẽ qua Ma Cao, Thượng Hải thậm chí là Âu châu.
Khi quân đã mạnh, lương đã nhiều, ông quyết định ra  đánh đồn Than Muội, một đồn khá vững chắc của Pháp nằm trên trục đường từ Đồng Mỏ lên thành Lạng.
Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt , với nhiều tình tiết bi tráng…
Cũng trong những trận đánh này tài năng quân sự của Cai Hai được dịp thể hiện, ông đã sử dụng nhiều kiến thức trong binh pháp để công đồn ( cho người mang dê béo, rượu ngon  thường xuyên đến biếu quân Pháp nhân những dịp lễ tết khiến chúng mất cảnh giác, mua chuộc binh lính trong đồn làm nội gián, tiến đánh khi binh lính giặc không phòng bị - để rồi vào một đêm mưa lớn nghĩa quân đã tiến hành phá đồn giặc...)


CHƯƠNG  V -  THU PHỤC NHÂN TÂM

Sau khi gây tiếng vang bởi chiến thắng Than Muội, Cai Kinh được nhiều người tìm đến, có kẻ cứ thực tâm mà kéo theo nghĩa binh tìm vào gặp ông, có người lại hoài nghi khi cho chân tay vào đến Thuốc Sơn dò la tin tức trước, lại có người chẳng tin ông có đủ tài nên đã bày chuyện thử thách. ( vị này vờ gây tội ở nơi ông quản lý, để bị bắt, rồi tìm cách được đưa đến gặp thủ lĩnh. Tại đây vị này đã dùng tài học của mình đẻ đối đáp với với Cai Kinh, cả hai bên nói về Binh pháp bàn đến cả nhân nghĩa, cả về mục đích của cuộc khởi binh… rồi họ cũng nhận ra tài năng của đối phương nên cùng phục tài mà vái lạy nhau…Cai Kinh ra lệnh cởi trói đưa tội nhân vào trong, tại đây vị nhân sỹ này mới tỏ thực thân phận…. Ông vốn họ Vi người mạn Thái Nguyên… đoạn này được miêu tả với nhiều tình tiết hấp dẫn.

Trong số những người tìm về với Cai Kinh có nhân vật hết sức đặc biệt, đó là một người có tướng ngũ đoản, mắt sáng da nâu, võ nghệ tuyệt luân, sức khỏe hơn người,  đặc biệt ông có bài võ sáo vừa lãng mạn vừa nguy hiểm. Trong những đêm trăng, ông  vừa luyện quyền vừa thổi sáo khiến ba quân đều nể phục. Ông là Trương Văn Thám, một nhân tài hiếm gặp.

Vào một ngày hội Xuân, Thám cùng ba kẻ tâm phúc đã trà trộn vào dòng người trảy hội vùng Thuốc Sơn, ở đây với tinh thần thượng võ họ đã tham gia các trò đấu vật, võ, thi bắn cung nỏ cùng với nhiều người khác…Thực ra những hội thi này là do Cai Kinh tổ chức nhằm tìm kiếm nhân tài cho cuộc kháng chiến.
Tất cả những người thắng cuộc đều được đối đãi rất nồng hậu, sau đó họ bị bí mật theo dõi, rồi dò la ý tứ, nếu thấy đồng chí hướng thì tìm cách lôi kéo về với nghĩa quân. Việc làm này đã thu hút được nhiều người tài, nhưng đây cũng là một sơ hở khi chính quyền lúc bấy giờ đã lặng lẽ cài được một  số gián điệp vào tổ chức của Hoàng Đình Kinh.
Thám nhanh chóng trở thành một trong những người được Cai Kinh tin dùng, để tỏ lòng yêu mến ông đã cho đổi họ Trương của Thám ra họ mình và đó chính là Hoàng Hoa Thám, một cái tên lẫy lừng sau này.
 Thám cũng là người giết chết Đề Phức, kẻ phản bội đã chỉ điểm cho giặc lùng bắt Cai Kinh.
Trong kế hoạch mở rộng địa bàn cũng là phân tán sự tấn công của giặc, hai năm sau Hoàng Hoa Thám được Cai Kinh phân công về vùng Yên Thế - một nơi hiểm địa - để gây dựng phong trào kết hợp với trung tâm cuộc khởi nghĩa.
Ngày qua tháng lại nghĩa quân mỗi lúc một trở nên hùng mạnh.

Chương VI – TRẬN ĐÁNH CẦU QUAN ÂM

Ở chương này chúng ta sẽ được sống lại với những trận đánh suốt dọc một vùng đất từ Bắc Giang lên đến xứ Lạng của Cai Kinh, khi Pháp đã đặt được một số đồn bốt ở đây.

Một trong những trận gây được tiếng vang lớn nhất là trận đánh tại Bắc Lệ hay còn gọi là trận cầu Quan Âm. Đó là kết quả của liên minh quân sự giữa lính Thanh triều và Thổ binh người Việt.
Thời điểm này cũng là lúc xảy ra cuộc chiến Pháp – Thanh vì hai bên không thống nhất được những thỏa thuận đã ký trong hòa ước Giáp Thân .
Nhà Thanh cử Tổng đốc  Quảng Đông là Phùng Tử Tài đem binh mã tiến xuống Đại Nam, chống nhau với quân Pháp. Nhiều trận đánh đã diễn ra hết sức ác liệt dọc biên giới hai nước.
Có một nhân vật không thể không nhắc đến ở giai đoạn này, đó là Lưu Vĩnh Phúc, một tướng tài vốn là hậu nhân của phong trào Thái Bình Thiên Quốc, sau khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp ông chạy sang Đại Nam trở thành một chiến tướng được nhà Nguyễn tin dùng, chính ông đã có nhiều trận đánh kết hợp với các tướng nhà Nguyễn khiến cho người Pháp thiệt hại nặng nề.
Sau vì thấy tài quân sự của ông, nhà Thanh lại mời ông ra cộng tác và chẳng bao lâu ông trở thành một trụ cột về quân sự của Thanh triều – Đây chính là người đã gặp Cai Kinh trong ngày chợ phiên ở Tổng Thuốc Sơn những ngày ông còn thơ ấu.
 Lưu vì mến tài, cảm nghĩa nên đã cử binh tướng cùng phối hợp với Hoàng cùng đánh Tây, giữa Lưu tướng quân và Hoàng thủ lĩnh luôn có một tấm chân tình ẩn hiện. Nhiều vũ khí hiện đại mà Hoàng Đình Kinh có được là nhờ Lưu giúp đỡ.
Một lần, trong một cuộc hội ngộ được tổ chức trên dãy Hữu Kiên, nơi có bạt ngàn núi đồi, phong cảnh hữu tình cùng địa thế hiểm yếu với cư dân bản địa sống no đủ bằng nghề chăn thả gia súc. Lưu Vĩnh Phúc đã trỏ vào đàn ngựa trắng đang thong dong gặm cỏ mà rằng:
-                           Tôi mong việc lớn chóng thành để nơi nơi đâu cũng chỉ có một cảnh thanh bình thế kia…

Tháng 6 năm ấy ( 1884 ) trận đánh ác liệt đã diễn ra suốt mười ngày đêm. Cánh quân do Cai Kinh chỉ huy chiến đấu anh dũng, diệt và bắt giữ được nhiều quân địch, thu nhiều lừa ngựa, khí giới.
          Cuộc khởi nghĩa của ông đã gây cho triều đình nhà Nguyễn nhiều hao tổn, rất nhiều cuộc hành binh của cả người Pháp lẫn quan quân nhà Nguyễn nhằm tiêu diệt nghĩa quân hầu như chỉ nhận lấy thất bại. Triều Nguyễn, thậm chí là chính phủ Pháp đã phải hao tốn nhiều tâm sức đối với cuộc khởi nghĩa này.
 Khi ấy cái tên Hoàng Đình Kinh đã vang khắp cõi. 


CHƯƠNG VII – NẮNG RỌI NON CAO

 Đây là chương cuối của cuốn sách.
Viết đến chương này, tự dưng tác giả thấy đâu đó man mác một nỗi buồn, bởi dù rất tài giỏi nhưng đứng trước thời cuộc con người bỗng trở nên nhỏ bé vô cùng .
Sau một số trận đánh gây thiệt hại nặng cho Pháp, quân đội nhà Thanh, dưới sự điều đình của hai nước Pháp - Thanh đã chính thức rút khỏi Đại Nam, để giặc Pháp rảnh tay đối phó với những người yêu nước như Hoàng Đình Kinh.
Rồi khi đồng minh quan trọng là Lưu Vĩnh Phúc cũng bị gọi về Bắc quốc, giặc Pháp lại tăng cường trấn áp nghĩa quân, nhiều bộ tướng  của Cai Kinh bắt đầu dao động, một số chạy theo họ Lưu, một số ra hàng giặc, số khác bỏ trốn. Quân lương dần thiếu hụt, hai năm liền cả một dải thuộc phủ Lạng Thương mất mùa khiến dân tình lâm cảnh đói kém, kéo theo việc binh cũng bị ảnh hưởng trầm trọng.

Bị bao vây cô lập, Cai Kinh buộc phải dẫn thuộc hạ chạy vào núi sâu cát cứ, tại đây, ông cho binh lính khai phá đất đai, mở thêm ruộng nương, chăn nuôi gia súc nhằm mục đích nuôi quân.
Có một chi tiết được lưu truyền trong dân gian đó là; sau một trận đánh, Cai Hai về nghỉ trong một ngôi làng gần bến đò - làng Bến – thì xảy chuyện, bọn phản bội vốn đã bị giặc mua chuộc từ trước nhân lúc ông say rượu ngủ quên đã ra tay sát hại ông. Hoàng Đình Kinh thương tiếc em và cũng đang trong lúc vận cùng thành ra thiếu sáng suốt, đã ra lệnh tàn sát dân làng ấy một cách dã man. Vì chuyện đó mà nhiều người đã quay sang chống lại ông, khiến việc lớn càng lúc càng đi nhanh đến giai đoạn thoái trào.
Cũng thời điểm này, một vài kẻ cơ hội đã xuất hiện, từ những tư thù cá nhân dẫn đến tư tưởng bắt đầu lung lay khi lợi ích bắt đầu bị đe dọa bọn chúng tìm cách móc nối với giặc hòng tìm sự yên ổn cho bản thân. Lĩnh Thảnh là một trong số ấy, vốn từng bị Cai Hai khiển trách vì hèn nhát – Thảnh đã bỏ chạy khỏi vị trí khi nghĩa quân bị bao vây dẫn đến tổn thất cho một trận đánh năm xưa.
Nuôi mối thù, giờ đây khi nghĩa quân gặp khó khăn Thảnh lại càng lo lắng cho quyền lợi của mình. Hắn cho người đi người đi gặp giặc Pháp, lên kế hoạch cho một cuộc vây bắt Hoàng Đình Kinh, mà hắn sẽ giữ vai trò nội gián.
Nhưng rồi với sự khôn ngoan cộng với mệnh trời, trận ấy vị thủ lĩnh đã chạy thoát, Lĩnh Thãnh gian manh liền lấy đầu một nghĩa bĩnh chết trận giả đò là đầu của thủ lĩnh hòng lừa quan thầy. Nhưng Thảnh làm sao qua được mắt bọn giặc vốn quá lọc lõi, với tội lừa dối Thảnh đã nhận một kết cục không thể thảm hơn, bởi chính bàn tay của quan thầy. Trước khi chết bởi loạt đạn bắn từ sau lưng khi vừa mới lãnh hơn mười lạng vàng từ dinh quan ba trước đó ít phút Thảnh còn kịp thốt lên; Kẻ thức thời hóa ra không phải là tuấn kiệt...Như hắn vẫn thường tâm đắc; kẻ thức thời mới là tuấn kiệt!
Trong những ngày gian khổ ấy ông thường cùng đám thủ hạ thân tín đi thám hiểm miền đất mới, mong tìm thêm những vùng hiểm địa để kháng chiến lâu dài, một lần như thế, cả bọn bị lạc đường, loanh quanh mãi mà không ra khỏi rừng, đi hướng nào cuối cùng cũng chỉ quay lại cái hồ nước xanh thẳm, sâu hút giữa bạt ngàn cổ thụ, sau bỗng xuất hiện một cụ già gánh củi từ trong núi đi ra, người này tướng mạo khác thường, da dẻ hồng hào, ánh mắt tinh nhanh, vừa đi vừa đọc những câu kỳ dị:

Tự cổ tiền nhân chẳng nói rồi
Tam cách khuyết một cũng đành thôi.
Nẻo về chốn ấy không xa lắm
Chỉ hận trời xanh những hẹp lòng.

Thấy lạ, Cai Kinh bèn cho mời cụ lại, rồi thắc mắc về bài thơ, nhân cũng để hỏi đường.

Cụ già vuốt chòm râu bạc rồi cười ha hả:

- Có gì đâu, lão vốn ở miền này đã lâu nên nghiệm ra như vậy, trong trời đất hễ thiếu một trong ba thứ, hoặc Thiên hoặc Địa hoặc Nhân thì trăm việc khó thành, tướng quân đã có được Nhân cũng có cả Địa nhưng thiếu hẳn Thiên thời, chỉ e đại sự chẳng được thêm mấy nỗi… à mà thôi, cũng muộn rồi, lão xin đi trước…

Nói xong, ông lão thủng thẳng gánh bó củi lên vai rồi cứ nhằm hồ nước mà đi xuống, thoáng chốc đã tan mờ như sương khói. Cả bọn khi ấy mới biết là thần, thảy đều kinh hãi cùng sụp lạy.

Việc được giữ kín, nhưng Cai Kinh  đã thấu mệnh Trời, ít lâu sau ông cho mở tiệc khao quân rồi tuyên bố bãi binh, ai về nhà nấy, mỗi người được cấp chút tiền bạc về quê làm ruộng, chấm dứt đời binh nghiệp.
Chỉ còn một doanh quân kiên quyết không chịu rời đi, họ thề sẽ cùng thủ lĩnh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Mùa Thu năm Mậu Tý – 1888. Giặc tổ chức một cuộc tấn công quy mô vào sào huyệt của Hoàng Đình Kinh, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, nhưng vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, nên phần lớn nghĩa quân đều hy sinh.
          Hoàng Đình Kinh dẫn theo vài người thủ hạ chạy vào rừng sâu, cả nhóm người bị thương, kẻ mệt mỏi chạy đến chiều thì dừng lại. Nhìn quanh thì đã thấy ở bên cạnh hồ nước hôm nào. Đám thủ hạ đang lúc vừa mệt vừa đói mơ mơ màng màng, bỗng nghe một tiếng sấm nổ vang rồi nước hồ phụt lên rất mạnh, tạo thành những đợt sóng lớn vô cùng kỳ dị. Khi trời yên trở lại họ không thấy thủ lĩnh đâu nữa.*

Lúc bấy giờ trời đất đang âm u bỗng trở nên quang đãng, nắng rực rỡ chiếu khắp miền non cao.

Hết.

Lạng Sơn mùa Hạ năm 2015.
Tác giả Bế Mạnh Đức. Sđt: 01296201579
Facebook: Be bemanhduc


*: Về cái chết của ông có nhiều dị bản, tác giả đang nghiên cứu tìm kiếm một kết thúc hợp lý nhất, nhưng dù có thế nào thì tên tuổi của ông sẽ vẫn sống mãi cùng non sông đất nước.

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

5 NGÀY SINH TỬ

Truyện ngắn của Bế Mạnh Đức





Mãi gần tối mới có lệnh tập trung, mục đích cuộc hành quân chỉ được phổ biến sau khi tất cả đã đứng trong hàng. Trung đội 2 sẽ đánh vu hồi vào đơn vị cối phía bên kia sườn núi, trong ngày mai phải hoàn thành nhiệm vụ.
 Họ lặng lẽ đi xuống chân đồi, phía xa thi thoảng lại có tiếng đạn cối xen lẫn những tràng Ak ở đâu đó vọng lại.
Sơn đi ngay phía trung đội trưởng, vừa nhận được thư Nhàn, cô ấy bảo sẽ sang Liên Xô để học về chế tạo máy, bốn năm. Sơn hiểu rằng đó chỉ như một thông báo, vì tháng sau Nhàn sẽ bay. Ba năm yêu nhau, đang chuẩn bị làm đám cưới thì chiến tranh nổ ra, thêm hai cái Tết ở chiến trường...
-         Này - Có tiếng thì thào khiến Sơn hơi giật mình – Hình như...
Trung đội trưởng chỉ vào đồng hồ đeo tay nhìn Sơn dò hỏi, lúc này trời đã tối hẳn, vài ánh sao bắt đầu le lói phía chân trời.
Sơn chột dạ, rồi vội mở xaccot tìm bản đồ, trong khi chỉ huy phát tín hiệu dừng chân.
Sơn bật chiếc đèn pin đã bị bịt chặt chỉ còn hở một lỗ nhỏ, anh dò tìm trên bản đồ. Bỗng Sơn nằm vật ra, mồ hôi bắt rịn khắp lưng dù trời khá lạnh.
-         Có chuyện gì thế?
Sơn khó nhọc nuốt khan mãi sau, mới ngập ngừng: - Báo...cáo...lạc... đường rồi!
-         Sao cậu bảo sao? Chết mẹ...
-         - Em...em mải suy nghĩ...
Cả hai cùng im lặng khá lâu.
Cuối cùng người chỉ huy quay sang:
-         Xa không? Còn phương án nào không?
-         Dạ gần hai mươi cây rồi, đây là đường độc đạo, quay về không kịp.
Trung đội trưởng thở dài:
-         Chết mẹ...
Đoàn quân được lệnh ăn tối và tìm chỗ nghĩ qua đêm. Có vài tiếng lao xao gắt gỏng phía xa; - Trinh sát kiểu đéo gì thế...
Sáng hôm sau trung đội hành quân sớm,  Sơn cùng một chiến sỹ nữa đi trước một đoạn khá xa. Sương đêm vẫn rất đậm.
Bỗng Sơn khẽ bấm tay đồng rồi anh khịt mũi, có mùi phân tươi rất gần. Cả hai thận trọng tiến lên, sau mỏm đồi không xa con đường mòn một lán trại của quân địch ẩn hiện trong sương sớm. Cả hai còn đang ngơ ngác thì có một bóng người ló ra khỏi lùm cây phía trước, nhìn thấy họ, hắn sững lại giây lâu rồi chạy như bay về phía trại địch.
“ Không hay rồi”- Sơn lẩm bẩm.
Trận đánh ngoài dự định diễn ra mỗi lúc một ác liệt. Do chênh lệch về quân số nên trung đội 2 vừa đánh vừa tìm đường lui. Đã có ba người nằm xuống.
Trong tiếng đạn nổ hỗn loạn, trung đội trưởng mặt đã sạm đi vì khói súng vừa bắn vừa quay sang trinh sát Sơn: - Có đường rút không?
Giây lâu Sơn gật đầu: - Phía tay trái hướng tây nam có một con suối cạn...
-         Vậy cậu dẫn đường đi!
Dựa lưng vào ttảng đá sau gốc cây to Sơn với đoạn cây vạch xuống đất:
-         Anh dẫn bộ đội xuống trước, ta không thể rút cùng lúc được vì lòng suối rất hẹp, em và mấy người nữa sẽ ở lại chặn hậu.
Vị chỉ huy hơi thở dài để thay lời đồng ý, họ để lại đạn và lương thực cho nhóm chặn hậu rồi lặng lẽ lui quân.
Có bảy người, ngoài vũ khí cá nhân còn thêm ba khẩu b40. Họ bắn rát về phiá địch quân.
Khoảng 15 phút sau thì tiếng súng bên kia thưa dần rồi im hẳn. Nhóm người ở lại ngơ ngác nhìn nhau.
-         Có lẽ chúng đã biết ta rút và tiến hành chặn hậu. Trung đội nếu đi nhanh thì sẽ thoát về phía sau, nhưng nhóm chúng ta chắc chắn sẽ bị chặn lại...
Sơn chưa nói dứt câu thì có tiếng súng vang lên ở phía xa mỗi lúc một dày đặc, trung đội đã gặp địch. Cả nhóm kéo nhau chạy theo lòng con suối cạn, có một người bị thương ở cánh tay, phía sau tiếng súng lại bắt đầu rộ lên.
Khoảng gần nửa tiếng thì xuất hiện một thung lũng, rất đông địch quân, chỉ còn lẻ tẻ vài loạt Ak, lẫn trong khói súng, có vẻ bọn chúng đã làm chủ chiến trường, trung đội có thể đã không còn ai.
“ Lính sơn cước!” Một người thốt lên đầy lo lắng.
-         Thảo nào chúng đuổi nhanh thế! – Sơn đáp lời, rồi nhìn xung quanh, hai bên là vách núi, nhiều cỏ lau, lẫn dây leo um tùm.
“ Bây giờ thế này – Sơn quay sang nhóm người bơ phờ ngồi xung quanh - Bọn phía sau chăc cũng sắp đến, ta khó mà thoát được, tôi đề nghị rút tạm lên trên kia nấp kỹ, nếu chúng phát hiện thì chiến, nếu không ta tính sau!”
Chẳng còn cách nào khác cả nhóm người lặng lẽ bò lên núi, trinh sát Sơn đi sau cùng, làm nhiệm vụ xoá dấu vết. Chiều đang xuống dần.
Vừa tìm được một khe đá thì có tiếng chim rít lên ở trên cao, giống đại bàng núi, khi có động, chúng sẽ lượn quanh tổ, vừa bay vừa cảnh báo. Cả nhóm lo lắng vạch lá nhìn xuống.
 Những kẻ truy đuổi đi qua chỗ ẩn nấp rồi nhập vào với bọn địch ở dưới thung, thu dọn chiến trường xong chúng rút về cửa rừng cách đó không xa để hạ trại. Như thế có nghĩa là đường về của nhóm bộ đội đã bị chặn, ít nhất là lúc này.
Đêm ở trong hang núi lạnh hơn rất nhiều, thi thoảng lại có tiếng rên khẽ của thương binh. Hình như có những âm thanh lạ ở phía dưới con đường mòn, đã mấy lần Sơn định xuống tìm hiểu, nhưng mệt quá ngủ lúc nào không biết.
Vừa hửng sáng, Sơn đã bò ra cửa hang. Anh giật bắn mình khi thấy khắp thung lũng giăng đầy những lều bạt, thì ra cả đêm qua chúng dồn quân về đây. Ngay phía dưới chỗ ẩn nấp, hai tấp bạt xanh thấp thoáng sau những cây bụi, bọn địch đang bắt đầu một ngày mới.
-         Toi rồi – ai đó thì thào phía sau, khiến Sơn giật mình.
-          Kiểu này chắc lâu đây!
Bảy người mệt mỏi, kẻ nằm người ngồi trong cái hang nhỏ.
-         Tôi nhận định thế này, bọn chúng không biết rằng chúng ta còn sống, nếu không đã cho tìm kiếm, bây giờ tạm thời cứ nằm đây đã, chắc chỉ nay mai chúng nó sẽ chuyển quân thôi. – Nói xong Sơn nhìn quanh, cả mấy ngưòi mệt mỏi lặng lẽ gật đầu. Người thương binh trở mình rên khe khẽ.
Sau hai đêm trốn trong hang thì lương thực cạn, nước uống cũng hết.
Sơn lo lắng nhìn đồng đội đang xuống sức, vết thương trên cánh tay của anh ta bắt đầu nhiễm trùng. Đã có dấu hiểu mê sảng. Bọn địch vẫn chưa đi.
-         Hay là anh em mình liều chết tối nay trốn đi! - Một người nói khi trời đã về chiều.
-         - Tao thì chả sao, nhưng cứ thương bu già ở nhà. – Ai đó tiếp lời.
-         Tao mới có người yêu...cô ấy... đẹp lắm - Một người khác góp chuyện.
Một tiếng thở dài hắt ra trong ánh chiều nhập nhoạng càng khiến cho không thêm nặng nề.
-         " Thôi thế này – Sơn lên tiếng- Nốt đêm nay xem ngày mai thế nào, nếu chúng vẫn không đi thì tối mai ta trốn."
-        " Cũng tại mày, trinh sát kiểu đéo gì, bây giờ đưa anh em vào chỗ chết! - Tiếng người thương binh đã trở nên gay gắt.
-         Tao có muốn thế đâu – Sơn bực mình.
-         Nếu không tại mày thì anh em đã không phải uổng mạng - Cậu thương binh gắt lên.
-         Mày...
-        - Chứ còn gì nữa- Ai đó hùa vào, khiến Sơn nổi nóng, anh thở hắt ra lao vào người đó.
Bổng có tiếng lên đạn, rồi người thương binh chĩa mũi súng vào hai kẻ đang hăng máu.
-         Chết thì chết mẹ mày đi! - Anh ta thở hắt ra trong mệt mỏi.
Một tràng tiếng nổ vang lên, thật may, có ai đó đã hất được mũi súng lên cao. Cả bọn thất thần nhìn nhau. Sơn buông người đồng đội ra, anh lặng lẽ nhìn quanh rồi bò ra cửa hang. Bên dưới vẫn yên tĩnh, trừ một vài tên lính bước ra ngoài lều bạt ngơ ngác nhìn.
-         Thôi, bây giờ không phải lúc cắn nhau, cần bình tĩnh để tìm đường về.   - Sau khi thông báo tình hình phía dưới cho anh em Sơn hạ giọng. Ngừng một lát anh tiếp lời: - Tối nay tôi sẽ đi lấy lương thực.
-          
Ở trên cao nhìn rất rõ những lán trại phía dưới, đây có vẻ là một nơi an toàn nên bọn địch chẳng cảnh giác gì, chúng đốt lửa ngay bên ngoài lều, nấu nướng xì xụp. Đợi cho trời tối hẳn, cũng là lúc đang giờ ăn, Sơn lặng lẽ ra khỏi hang, lúc sắp trườn xuống thì có ai đó nói khẽ: Cho tôi đi với!
Hai người thận trọng men sát chân núi, họ tìm lán để nhu yếu phẩm, chắc nó phải ở gần bếp ăn. Càng đến gần tiếng ồn ào càng nổi lên rõ hơn, bọn địch đang tập trung ăn tối, mùi đồ ăn khiến cả hai kẻ lạc đường đều cồn ruột.
Ra hiệu cho đồng đội ở ngoài cảnh giới, Sơn khẽ vén tấm bạt lên, có một tên lính đang múc canh trên bếp, hơi nước bay mù mịt, ánh đèn măngsông soi rõ cả một dãy những thùng gỗ. Lương khô và đồ hộp. Đợi hắn đi rồi, Sơn nhanh chóng lách vào, anh thành thạo bật nắp rồi vơ vội được nửa balo thì có tiếng tắc kè, Sơn vội lui vào bóng tối. Cả hai đang định rút đi Sơn chợt nhớ chiếc can đựng nươcs ở gần bếp, anh ra hiệu cho người đồng đội rồi vén bạt, chưa kịp lấy thì mấy tên lính bưng bát đĩa bước vào.
Sơn chạy thục mạng, anh nghe rõ tiếng hò hét ở phía sau, rồi tiếng súng nổ. Tìm được một đám cỏ Sơn rúc vào.
Mãi nửa đêm, khi đã im ắng anh mới tìm đường về hang.
Bọn địch trói gô người lính xấu số bằng những những sợi dây dù, mặt anh bê bết máu. Bốn năm tên vây quanh, chúng thúc anh lên phía trước, thi thoảng một tên lại giang tay táng xuống người anh.
Xung quanh bọn địch đang dàn quân, chúng đi theo người tù bình nhằm hướng chiếc hang nhỏ. Càng đến gần, vẻ mặt người lính càng căng thẳng, khi chỉ còn cách cửa hang độ trăm mét chợt anh rướn người hét lên: - Các đồng chí, địch đang bao vây...
Tiếng anh vang vào vách đá rồi dội lại mấy lần, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng. Sau khi giáng một báng  nữa vào mạng sườn anh, tên chỉ huy vẩy khẩu súng ngắn ra hiệu. Hơn chục tên lính thận trọng bò lên, cả một đám binh lính lặng ngắt chờ đợi.
Đã đến cửa hang, rồi hai tên chui hẳn vào, lát sau một tên bước ra tay cầm một chiếc giầy vải giơ lên cao. Họ đã đi từ bao giờ.
Tên chỉ huy lạnh lùng nhìn sang người tù binh, một tiếng súng khô khốc vang lên, trước khi ngã xuống hình như anh hơi mỉm cười.

Đã vượt qua một hẻm núi, nhóm quân nhân đi lạc chạy trốn trong mệt mỏi, họ thay nhau dìu người thương binh lúc này đã yếu lắm, vết thương nhiễm trũng làm cánh tay sưng tấy lên. Anh ta thở khó nhọc.
Đứng trên một mô đá có mấy cành cây loà xoà che phía trước Sơn khum tay nheo mắt nhìn về phía sau, chợt giọng anh thảng thốt:
-         Không xong rồi, bọn chúng đuổi theo...
Cả đám người thất thần nhìn nhau, không ai bảo ai, tất cả đồng loạt đứng lên nhìn về phía xa, khoảng hai chục tên địch đang nhanh chóng tiến về phía họ. Hình như có cả tiếng chó sủa.

Phía trước đốc núi dựng đứng, người khoẻ mạnh leo lên còn khó.
-         Thôi, cố lên anh em, chỉ cần sang đến bên kia là đất của mình rồi, bọn nó không dám vượt đâu – Sơn cố động viên dù anh biết rằng đó là một việc ngoài khả năng.
Nhóm người thở phì phò, mệt nhọc leo lên một bải cỏ dại, cứ một ngưòi lên trước kéo tay thì người sau lại đẩy thương binh, đường dốc và hẹp nên không thể dìu anh ta được. Phía sau tiếng chó sủa đã rất gần.
Gần hết con dốc, qua lùm lau sậy đã thấy thấp thoáng bóng địch quân, những tiếng hộc vui mừng của con chó săn nghe rõ mồn một. Dù rất muốn nhưng mệt quá cả đám người ngồi phệt xuống bờ cỏ.
-         " Thôi... chúng mày đi... đi, bỏ tao lại, không thì... chết cả lũ - Người thương binh phều phào nói trong hơi thở gấp gáp.
-         Không – Sơn trả lời- chết cùng chết...
-         "Đi... đi...nhanh đi, tao... đàng nào cũng chết...nhanh lên..."
Rồi bằng một nỗ lực phi thường anh giật lấy trái thủ pháo bên hông Sơn đưa cái chốt lên miệng; - Đi ngay...nếu không tao...
Những người còn lại sững nhìn nhau rồi lặng lẽ tiến về phía trước.
Khi họ đã đến đỉnh đèo thì có một tiếng nổ lớn vang lên. Không ai bảo ai cả nhóm cùng đứng lại lặng yên trong giây lát, rồi họ đi nhanh về phía những quả đồi thấp, nơi ấy là đất mẹ.
Không biết có ai để ý không, khi xung quanh họ những cây mận rừng đã bắt đầu trổ hoa. Trắng cả một vùng.
Hết.



Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

LÃNG ĐÃNG MẤY THÚ CHƠI

LÃNG ĐÃNG MẤY THÚ CHƠI




Đời người ta ngắn lắm thay, vẫn biết cái nợ hồng trần chẳng buông tha ai, nhưng nếu có một thú chơi cho riêng mình, để sau những lúc gồng lên mà chống trả với lợi, danh, ta lại có những khoảng êm đềm, chỉ riêng ta thôi, trần trụi.


CÂU


Anh bạn tôi vốn rất mê câu, nếu gặp người cùng sở thích anh có thể nói hàng giờ về chuyện ấy, từ cách làm sao có được một chiếc cần trúc dân dã, đến việc mua ở đâu, hãng nào để có được một dụng cụ câu vừa ý. Anh cũng hay kể về thời thơ ấu, với những mùa câu cháy nắng dọc sông Kỳ Cùng, sản phẩm mà anh mang về rất phong phú nhưng nhiều hơn cả là  giống trạch trấu, một loài cá da trơn nước ngọt sống trong những sông suối có nhiều hang đá.
Trạch chấu kiếm mồi ở tầng đáy, là giống phàm ăn, thả mồi xong hễ thấy đầu cần rung nhẹ rồi sợi cước bị kéo đi một vệt dài là chắc chắn có ăn. Không gì hồi hộp bằng việc kéo từ dưới nước một chú cá đen trũi dài cỡ gang tay, loằng ngoằng quẫy. Gặp đàn, có khi chỉ ngồi một chỗ cỡ đôi tiếng là có ngay đĩa cá sông thơm nức mũi. Trạch chấu dễ làm, nhiều thịt, ít xương, thơm ngon hiếm thấy. Xưa – gọi thế cho xưa – chứ cũng chỉ cách nay độ 3-4 chục năm thôi ,việc kiếm được những chú trạch trấu cỡ dăm, bảy lạng không phải là hiếm, nay thì tuyệt tích rồi.
Một loài nữa cũng hay xuất hiện trong câu chuyện của anh, ấy là, giữa trưa Hè đứng trên cao nhìn xuống khúc sông vắng, thấy có những tăm bọt sủi lên thì kiểu gì cũng có mặt chúng ở đó. Nếu trên bờ lại có đôi doi cát lẫn trong đám cây bụi thì chẳng còn nghi ngờ gì, đó là nơi ba ba lên đẻ trứng vào mùa sinh sản.- Xưa nhà nghèo, mỗi lần câu được  nào có dám ăn, lại lóc cóc đem lên đầu xóm nơi có ngôi nhà gạch rộng của lão Bạch buôn ngựa, đổi lấy mấy đồng đong gạo! – Anh ngậm ngùi kể - lão ấy giàu vì có đường dây ngựa từ Tây Bắc về, ngựa thồ, ngựa kéo, lại cả ngựa trắng dùng nấu cao nữa. Mỗi năm vài chuyến,  lão trở nên giàu nhất tổng. Mãi sau này mới hay ngựa ấy chỉ  để che mắt thôi, hàng của lão là những bao, lồ cơm đen được ngụy trang khéo nằm trên lưng ngựa ấy.
Nói về câu tôi lại nhớ chuyện ông Lã Vọng đời xưa ở bên Tàu, ngồi trên bờ sông Vị chờ bậc minh quân với chiếc cần câu lưỡi thẳng, có người thấy lạ tò mò hỏi hỏi, ông cười; lưỡi cong chỉ để câu loài thủy sinh còn ta chờ câu những Hầu, những Bá cơ!




NHẠC

Âm nhạc quả là một thứ có ma lực mãnh liệt, chẳng có ai mà không có những lúc cao hứng nghêu ngao đôi câu hát. Tất nhiên, giống như đời, nhạc cũng có nhiều thể loại, cũng chừng ấy những nhóm người yêu nhạc khác nhau, gọi là gu. Nhưng nói đến gu thì lại phải nhắc chữ sành. Dân sành nhạc, là một cụm từ khó cắt nghĩa, chỉ biết rằng đã được xếp vào trong nhóm này thì hẳn không phải là những kẻ hời hợt, nông cạn.
Bàn  về nhạc,  tôi nhớ ngay đến chiếc băng catxet, vốn rất thịnh hành một thời, tất nhiên là  có nhiều kỷ niệm. Một trong số ấy là những buổi tối, gần như cả xóm lao động nghèo sau một ngày  vất vả lại tập trung ở nhà ông giáo Vĩnh, nghe cải lương từ cái máy Shap ba con bảy chạy awcsquy mà cứ mỗi phiên ông lại đèo xuống chợ huyện nạp đầy. Chỉ  để phục vụ bà con thưởng thức những Lan và Điệp, Tướng cướp Bạch Hải Đường...
Xa hơn nữa, khi lui về dĩ vãng phải kể đến những chiếc máy hát –  hồi đó người ta gọi như thế – sử dụng đĩa nhựa  to như vành mũ, mà có dạo dùng để lót lồng chim. Thôi! Những Bach (Johann Sebastian Bach) , Môda, Bét Thô Ven ( Ludwig van Beethove) đâu có ngờ đâu rằng rồi có một ngày những tuyệt phẩm của mình sẽ được sống cùng với phân chim.
Rồi đến thời của  CD, VCD,...những anh này cũng chẳng tồn tại lâu khi công nghệ kỹ thuật số ngày một tiến bộ, giờ đây người ta nghe bằng iphone, handhel với những  kho nhạc khổng lồ.
Tưởng đã phôi pha, nhưng  có một trào lưu mới âm thầm hình thành dựa trên những nền tảng cũ, họ tìm về với băng cối, đĩa than, amply đèn...những thứ mà cả một dòng 8x, 9x... hầu như chưa nghe nói. Bây giờ có vẻ đã dễ hơn, nhưng trước đây, giữa cái thời của nhạc số để “dựng” được một “con đèn” * chẳng hề đơn giản, người ta phải kỳ công đi săn tìm những chiếc bóng sợi đốt vốn bị cho ra hàng đồng nát tự thủa nào. Sau lại hì hụi chế tác, nào khoan, nào đục, rồi thì quấn biến thế. Cứ vậy, nhanh cũng phải tính cũng bằng tháng, có kẻ còn kỳ công tìm cho được những chiếc ốc vít cùng loại để bắt phụ tùng khiến cho sản phẩm khi ra đời mang rất đậm dấu ấn cá nhân.
 Chẳng biết  có hay hơn không, nhưng nhìn họ mơ màng giữa những Diễm xưa, Còn tuổi nào nào cho em... lại nhớ chị hàng xóm, sớm nay vừa quét sân vừa ngân nga hát. Hỏi sao vui vậy, chỉ thấy hồng đôi má lỏn lẻn cười, mới hay đêm qua gió Xuân đã về.


XE

Là xe hai bánh thôi, phải nói ngay vậy kẻo gây hiểu lầm.  Đối với dân yêu xế cổ thì sành điệu không bao giờ đồng nghĩa với SH, Dylan hoặc những gì đại loại. Lèng mèng ra thì cũng phải 67, minsk, kích, cup. Cao cấp hơn sẽ là veppa cổ, sidecar...những chiếc xe được sản xuất ít nhất cũng phải từ những năm 50 của thế kỷ trước, độc đáo hơn thì có Mobylette, Peugeot...
Xứ ta – Lạng sơn - nói đến xe Minsk chắc chẳng ai lạ gì, nhất là các bác, các anh 6x, 7x, vào những năm mới mở cửa, hàng hóa về nhiều, số lượng xe “con cò” ở Lạng sơn nhiều đến nỗi có người đã gọi đây là thành phố Min. Nhiệm vụ của chúng là thồ hàng, người,  chúng còn được biết đến với cái tên: xe cẩu pỉnh, nổi tiếng dạo nào.
Xe Minsk sử dụng côn tay bóp rất nặng, không có đề, cần khởi động bên chân trái cũng thuộc hàng khủng, người yếu, nhỏ con nhất là phụ nữ rất ngán ngẩm. Đã vậy lại hay chảy dầu, thế nên lúc nào trông cũng lem nhem, rất khó yêu.
Sau một thời làm mưa làm gió,  những chiếc xe có xuất xứ từ liên bang Xô viết đã dần vắng bóng. Để nhường  chỗ cho Dream, Viva...là những nhãn hàng đến từ các nước có nền công nghiệp phát triển hơn. Người ta dần quên đi chiếc xe có chiếc bình xăng tròn in hình con sếu đang vươn mình bay về phía trước.
Rồi đến một ngày chẳng rõ vì hoài cổ hay đã chán xe hiện đại, dễ điều khiển, những tay chơi bắt đầu săn tìm Minsk. Xe còn tốt rất hiếm, đa số đều phải phục chế lại từ nước sơn, khung càng, gầm bệ...Tất thảy đều phải được đưa vào xử lý lại, để rồi ít lâu sau chiếc xe hai thì chạy xăng pha nhớt lại tanh tanh nhả khói trên đường.
Chơi xe cổ cũng có những yêu cầu khắt khe, vì xe cũ, vận hành đã lâu,  nên khá đỏng đảnh, với Minsk, ngay chuyện đổ xăng thôi cũng đủ phiền phức, bây giờ thật hiếm còn đâu người ta bán xăng pha. Vậy là chủ nhân của nó phải sắm riêng cho xe một lọ dầu để mổi khi đổ xăng lại rón rén pha thêm, mà đây, cũng là một thú vui, nhiều quá xe chạy bốc nhưng xả khói, ít lại khiến xe ì ạch dù đỡ ô nhiễm hơn. Nay để giảm đi cái nhìn thiếu thiện cảm của dân tình, người ta đã chế ra xăng thơm, đúng ra là nhớt thơm, có mùi dễ chịu.
 Trong những chuyến đi xa – bây giờ gọi là phượt – chẳng thể thiếu bộ đồ nghề sửa chữa với những cale mỏ lết, ai mà biết con trâu già ấy sẽ dở chứng khi nào.
Cách đây mấy năm, nghe nói trong Bắc Sơn có người còn giữa được chiếc Simson khá đẹp, tôi rủ anh bạn chung sở thích làm một chuyến về nguồn. Hỏi han mãi rồi cũng tìm ra địa chỉ, chiếc xe để dước gầm sàn, sạch sẽ, bóng lộn và được dựng chống giữa trên một tấm ván kê cao. Trà nước xong xuôi rồi, đến khi hỏi mua thì chủ nhà nhất định không bán dù giá cả cứ được trả cao dần lên. Mãi sau mới biết chiếc xe là kỷ niệm của một thời gian khó với bao nhiêu buồn vui, nay khi kinh tế đã tạm ổn rồi, cứ lâu lâu chủ nhà lại đem ra lau chùi rồi nổ máy, chạy một vòng quanh thị trấn – Cho đỡ nhớ! - Ông bảo thế.
Nghe ông nói chuyện và cái cách ông nhìn nó tôi có cảm tưởng như ông đang nói về một người bạn chứ không đơn thuần chỉ là một chiếc xe.









CHIM



Ông bà ta nói cấm có sai, phú quý thì sinh lễ nghĩa, xưa lúc thiếu ăn có bói cũng rất khó tìm được người chơi chim. Có chăng thì cũng là những bậc phú hộ, công tử nhiều tiền mới dám, miệng ngậm tẩu, tay xách lồng đựng con chim quý mà đi dạo phố. Đâu có chỗ cho đám thường dân bần hàn.
Giờ thì nhà nhà chơi, người người sắm, ít đôi chú họa mi sáng sáng véo von đầu hè, hơn nữa cũng phải trên chục lồng với đủ kiểu chào mào khuyên yểng, nói thật nhiều lúc chúng kêu đủ váng tai.
Còn có cả hiệp hội chim các miền, các vùng, tỉnh, huyện... cứ đến kỳ, lại tụ họp nhau mở hội thi chim, nói bảo ngoa nhưng đã từng có những chú chim được dân chơi định giá lên đến cả trăm triệu bởi sự độc đáo, riêng có của chúng. Chẳng biết có phải vì cái trị giá ấy không mà người ta săn lùng, chui rúc khắp hang cùng ngõ hẻm để mong đổi đời nhờ chim.
Đứng hàng đầu chắc là họa mi, và thường được đem ví với những ca sỹ có giọng hát hay, truyền cảm, nhưng lại phải là nữ, chẳng ai bảo Trọng Tấn hát hay như chim họa my cả, chỉ có Mỹ Tâm, hay nàng Adele bên Anh quốc xa xôi mới được ví với loài chim này. Nhưng chơi mới biết, hóa ra họa my hót hay lại là chim đực, con mái tưởng gì hóa ra chỉ kêu xùy xùy, có mỗi tác dụng động viên các anh lên giọng hoặc choảng nhau mỗi khi giáp mặt mà thôi
Mới nhìn qua tưởng ai cũng tao nhân mặc khách, nho nhã thâm sâu. Nhưng rồi mới hay phần người ta cũng chỉ chơi theo phong trào, cho đỡ thua chị kém em, hoặc đang cố tìm lợi nhuận ở trong ấy, chẳng thi vị gì đâu.
Xóm tôi có lão kia mới thật dị thường, trong khi thiên hạ đua nhau nuôi và chơi những giống chim quý, đẹp thì chẳng hiểu lão kiếm đâu ra một con cú mèo, cho vào lồng treo ngay trước cửa, bên dưới là bàn cờ lão dùng tiếp bạn bè mỗi sáng. Cứ chiều chiều lúc sắp đổ tối người ta lại nghe tiếng cú kêu, nó vẫn chưa quên những ngày hoang dã. Có người phàn nàn, lão bảo nó hót đấy, nếu hiểu thì con cú chả khác gì những họa mi, cu gáy, khi no bụng hoặc vui thì nó hót lên thôi!

KẾT

Kể ra thì còn nhiều, có khi lan man cả buổi vẫn chưa hết được chuyện về các thú chơi, có món để vui, để lành, nhưng cũng có thứ làm tan cửa nát nhà như không. Nghề chơi quả lắm công phu, nhắn ai mê gì thì mê cũng cứ phải tỉnh táo mà so đo trên dưới. Không chơi cũng phí hoài cái kiếp người, có khi còn làm cho ta trở nên khô khan cứng nhắc bởi chẳng có gì để cân bằng, nhất là trong cái thời cuộc lắm thứ vướng tai này.



HẾT